Giải thích Thiên_kiến_xác_nhận

Thiên kiến xác nhận thường được mô tả là kết quả của những chiến lược tự động, không chủ định hơn là sự lừa gạt có cân nhắc.[14][76] Theo Robert Maccoun, việc xử lý những bằng chứng gây tranh cãi nhất xảy ra thông qua một tổ hợp các cơ chế "lạnh" (nhận thức) và "nóng" (có động lực).[77]

Cách giải thích nhận thức về thiên kiến xác nhận dựa trên những giới hạn trong năng lực của con người để xử lý những nhiệm vụ phức tạp, và những lối tắt, được gọi là các phép suy nghiệm, mà họ dùng.[78] Chẳng hạn, người ta có thể xét đoán độ tin cậy của bằng chứng bằng cách sử dụng suy nghiệm về tính sẵn có-nghĩa là, một ý tưởng cụ thể đến với trí óc dễ dàng ra sao.[79] Cũng có thể là con người chỉ có thể tập trung vào một suy nghĩ trong một thời điểm, nên khó mà kiểm tra hai giả thuyết đối lập cùng lúc.[80] Một suy nghiệm khác là chiến lược kiểm tra khẳng định mà Klayman và Ha nhận diện, trong đó con người kiểm tra một giả thuyết bằng cách xem xét các trường hợp trong đó họ trông đợi một thuộc tính hoặc một sự kiện xảy ra. Suy nghiệm này loại bỏ bài tập khó khăn hoặc bất khả của việc xác định mức độ chẩn đoán của một câu hỏi khả dĩ. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đáng tin cậy, nên con người có thể bỏ qua những thách thức với niềm tin sẵn có của họ.[13][81]

Những cách giải thích về động cơ liên quan tới một hiệu ứng về khao khát về niềm tin, đôi khi được gọi là "suy nghĩ mong ước" (tiếng Anh: wishful thinking).[82][83] Người ta thấy rằng con người ưa thích những suy nghĩ dễ chịu hơn là những suy nghĩ gây khó chịu theo một số cách khác nhau, điều này được gọi là "Nguyên lý Pollyanna".[84] Áp dụng vào những lập luận hay nguồn bằng chứng, nguyên lý ngày có thể giải thích tại sao những kết luận đáng khao khát nhiều khả năng được tin là đúng hơn.[82] Theo các thí nghiệm tính đáng khao khát của kết luận, con người đòi hỏi tiêu chuẩn cao cho những ý tưởng không hợp khẩu vị của họ và tiêu chuẩn thấp hơn cho những ý tưởng mà họ ưa thích. Nói cách khác, họ hỏi, "Tôi có thể tin điều này không?" cho loại đề xuất đầu và "Tôi có buộc phải tin điều này không?" cho loại sau.[85][86] Mặc dù tính nhất quán là một đặc điểm đáng mong muốn của các thái độ, thôi thúc quá mức nhằm đạt sự nhất quán là một nguồn tiềm tàng gây thiên kiến bởi vì nó có thể ngăn cản người ta đánh giá những thông tin mới, gây ngạc nhiên một cách trung lập.[82] Nhà tâm lý học xã hội Ziva Kunda kết hợp các lý thuyết nhận thức và động lực, lập luận rằng động lực tạo nên thiên kiến, nhưng các yếu tố nhận thức quyết định quy mô ảnh hưởng.[87]

Những cách giải thích theo phân tích phí tổn-lợi ích giả định rằng người ta không chỉ kiểm tra giả thuyết một cách thờ ơ, mà còn đánh giá thiệt hại của các sai lầm khác nhau.[88] Sử dụng những ý tưởng lấy từ tâm lý học tiến hóa, James Friedrich gợi ý rằng còn người không chủ yếu nhắm vào chân lý trong khi kiểm tra các giả thuyết, mà còn cố tránh những sai lầm gây thiệt hại nhất. Chẳng hạn, những người có thể hỏi những câu hỏi phiến diện trong các bài phỏng vấn xin việc bởi vì họ đang chú tâm vào việc loại bỏ những ứng viên không phù hợp.[89] Sự hiệu chỉnh của Yaacov Trope và Akiva Liberman đối với lý thuyết này giả định rằng con người so sánh hai loại sai sót khác nhau: chấp nhận một giả thuyết sai hoặc bác bỏ một giả thuyết đúng. Chẳng hạn, ai đó đánh giá thấp tính trung thực của một người bạn có thể sẽ đối xử với anh ta hoặc cô ta một cách ngờ vực và do đó làm xói mòn tình bạn giữa họ. Đánh giá quá cao lòng trung thực của người bạn đó cũng có thể gây tổn thất, nhưng ít hơn. Trong trường hợp này, thành ra là hợp lý để tìm kiếm, đánh giá hoặc ghi nhớ bằng chứng về lòng trung thực của họ theo một cách thiên vị.[90] Khi ai đó gây ra một ấn tượng ban đầu là hướng ngoại hoặc hướng nội, các câu hỏi phù hợp với ấn tượng đó bắt gặp như là nhiều thấu cảm hơn.[91] Điều này gợi ý rằng khi nói về ai đó dường như là một người hướng nội, việc hỏi "Bạn có thấy kỳ cục trong các hoàn cảnh giao tiếp xã hội không?" là một dấu hiệu về kỹ năng xã giao hơn là hỏi "Bạn có thích các bữa tiệc ồn ào không?". Mối liên hệ giữa thiên kiến xác nhận và các kĩ năng xã giao được củng cố bởi một nghiên cứu xem các sinh viên đại học làm quen người khác ra sao. Những sinh viên có khả năng tự kiềm chế cao, nhạy cảm hơn với môi trường với các chuẩn mực xã hội, hỏi nhiều câu hỏi phù hợp hơn khi phỏng vấn một viên chức có vị trí cao hơn khi làm quen với những sinh viên khác.[91]

Các nhà tâm lý Jennifer LernerPhilip Tetlock phân biệt hai loại tiến trình tư duy khác nhau. Suy nghĩ khám phá xem xét một cách trung lập nhiều quan điểm và tìm cách phỏng đoán tất cả những phản đối có thể đối với mỗi một lập trường, trong khi suy nghĩ xác nhận tìm cách chứng minh một quan điểm cụ thể. Lerner và Tetlock nói rằng khi người ta trông đợi chứng minh lập trường của họ với những người mà họ đã biết trước quan điểm, họ sẽ có khuynh hướng chấp nhận một lập trường tương tự với những người này, và sử dụng tư duy xác nhận để tăng cường tính đáng tin của quan điểm của chính họ. Tuy nhiên, nếu các phe khác hung hăng hoặc phê phán quá mức, con người sẽ tách khỏi tư duy hoàn toàn, và đơn giản khẳng định ý kiến cá nhân không cần chứng minh.[92] Lerner và Tetlock cho rằng người ta chỉ thúc đẩy bản thân tư duy một cách có phê phán và logic khi họ biết trước rằng họ sẽ phải giải thích với những người có đủ thông tin, thực sự quan tâm tới chân lý, và nếu chưa biết rõ quan điểm của họ.[93] Bởi những diều kiện này hiếm khi tồn tại, theo lập luận của hai nhà nghiên cứu, hầu hết mọi người đang sử dụng tư duy xác nhận hầu như mọi lúc.[94]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên_kiến_xác_nhận http://hosted.xamai.ca/confbias/ http://www.amazon.com/Emerging-Perspectives-Judgme... http://www.amazon.com/Handbook-Social-Psychology-S... http://www.boston.com/bostonglobe/ideas/articles/2... http://books.google.com/books?id=0SYVAAAAYAAJ&pg=P... http://web.mac.com/kstanovich/Site/YUP_Reviews_fil... http://www.myfoxal.com/story/23395758/camm-trial-9... http://www.scientificamerican.com/article.cfm?id=t... http://skepdic.com/confirmbias.html http://www.skepdic.com/backfireeffect.html